Hội thảo chia sẻ những thông tin về việc ngành Thép Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) có hiệu lực, đồng thời tìm kiếm các giải pháp để ứng phó với quy định mới này và tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường EU.
Ngày 18/7, Hiệp hội Thép Việt Nam đã tổ chức Hội thảo ngành Thép Việt Nam ứng phó với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (CBAM). Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến và đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp ngành thép cũng như nhiều doanh nghiệp quan tâm đến CBAM.
Tại Hội thảo, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam đã có bài tham luận chia sẻ thông tin về ngành thép Việt Nam 2023 và những tác động cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU. Ông Thái khẳng định việc phải tuân theo cơ chế điều chỉnh carbon là không thể trì hoãn, các doanh nghiệp Việt xuất khẩu thép sang châu Âu phải nắm vững để vận dụng đúng, không bị vi phạm.
Cũng tại Hội thảo, ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng nhận định, trước mắt và trong ngắn hạn, 5 ngành thuộc phạm vi áp dụng cơ chế CBAM theo dự luật hiện tại của EU sẽ có khả năng bị tác động.
Cụ thể là các ngành sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm và điện. Nếu danh sách các mặt hàng áp dụng theo CBAM chỉ gồm 5 ngành hàng này thì tác động đối với Việt Nam là không lớn.
Ông Đa cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và nỗ lực thực hiện các hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Việt Nam cũng xác định công cụ định giá carbon được áp dụng trong thời gian tới là thị trường carbon nội địa thông qua việc áp dụng hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các đối tượng phát thải lớn.
Do đó, một số mặt hàng sản xuất bởi các cơ sở trong thị trường carbon nội địa của Việt Nam có thể được EU xem xét, áp dụng mức thuế carbon biên giới phù hợp.
Trong Hội thảo, đại diện của Bộ Công thương đã cung cấp các thông tin liên quan đến việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp – những điều kiện cần và đủ để thực thi CBAM, cũng như tình hình triển khai cơ chế điều chỉnh carbon biên giới của EU cùng một số khuyến nghị cho doanh nghiệp và trình tự, cách thức kê khai các thủ tục khai báo lượng phát thải và thời gian tương ứng.
Cuối cùng, Hội thảo còn đưa ra các đề xuất nghiên cứu, giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon đối với mọi ngành sản xuất, bảo đảm tính cạnh tranh với thế giới
Có thể thấy, về lâu dài, sản xuất xanh là xu thế chung, tất yếu của thế giới, không chỉ EU mà các thị trường khác sẽ áp dụng những chính sách khắt khe về bảo vệ môi trường và sức khỏe… đối với sản phẩm nhập khẩu. Các doanh nghiệp ngành Thép Việt Nam buộc phải có định hướng đổi mới sản xuất và các quy trình khắt khe để bắt nhịp với xu thế này để phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.
Do đó, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) là một trong những điều kiện cần và đủ không chỉ riêng đối với 5 ngành thuộc phạm vi áp dụng cơ chế CBAM theo dự luật hiện tại của EU sẽ có khả năng bị tác động.
Từ ngày 01/10/2023, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU – một công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu có mức phát thải cao – bắt đầu thực hiện giai đoạn chuyển tiếp. Trong đó, sắt thép là một trong các nhóm hàng hóa áp dụng đầu tiên (cùng với xi măng, nhôm, phân bón, hydrogen và điện).
CBAM sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm kể từ ngày 01/10/2023. Sau giai đoạn chuyển tiếp, cơ chế này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2026 và vận hành hoàn toàn vào năm 2034.
Trong khoảng thời gian này, CBAM sẽ dần dần được áp dụng song song với việc loại bỏ dần các hạn ngạch miễn phí trong Hệ thống giao dịch phát thải của EU (EU ETS). Do đó, CBAM sẽ chỉ áp dụng đối với tỷ lệ phát thải không được hưởng lợi từ hạn ngạch miễn phí của ETS trong giai đoạn 2026 – 2034.